Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Hình tượng Rừng Xànu-Biểu tượng của sự bất diệt

Bài văn điểm 10 2006 ĐH Đà Nẵng, TS Hoàng Thuỳ Nhi 

-------------------
Nguyễn Trung Thành là nhà văn có duyên nợ gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên. Qua hai cuộc kháng chiến cùng vào sinh ra tử với những người dân nơi đây đã cung cấp cho Nguyễn Trung Thành một vốn hiểu biết vô cùng sâu rộng về mảnh đất âm vang rộn tiếng cồng chiêng trong mùa lễ hội, nơi có những người con trung dũng, kiên cường. Nếu trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Trung Thành - bút danh Nguyên Ngọc nổi tiếng cùng “Đất nước đứng lên”; thì trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là những năm 1965 khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam đang diễn ra gay go ác liệt thì Nguyễn Trung Thành cho ra mắt người đọc truyện ngắn “Rừng xà nu”. Tác phẩm này đã là một bản hùng ca, ca ngợi cuộc sống và con người Tây Nguyên trong cuộc chiến tranh vĩ đại. Và nổi bật hơn cả trong tác phẩm chính là hình tượng cây xà nu.
Cây xà nu là một hình tượng nhân vật trung tâm trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành. Xuyên suốt trong tác phẩm ta bắt gặp những cánh rừng xà nu nối tiếp nhau chạy đến chân trời. Cây xà nu là một loài cây quen thuộc, có mặt trong cuộc sống hàng ngày của người dân Tây Nguyên. “Củi xà nu cháy trong mỗi bếp lửa gia đình, khói xà nu nhuộm bảng đen cho con trẻ học chữ, đuốc xà nu rọi sáng sân nhà Ưng trong những đêm lễ hội...”. Tất cả mọi hoạt động dù lớn dù nhỏ của người dân Tây Nguyên đều có sự góp mặt của cây xà nu. Sự sống của dân làng Xô Man đều gắn liền với những cánh rừng xà nu. Khi Nguyễn Trung Thành viết : “Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc, chúng nó bắn đã thành lệ, ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và xẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác của đồn giặc đều rơi vào những ngọn đồi xà nu, cạnh con nước lớn”, nhà văn đã phản ảnh không khí căng thẳng của thời đại, gợi lên sự đối mặt quyết liệt giữa sự sống và cái chết. Nổi bật trên nền bối cảnh ấy, Nguyễn Trung Thành đã đi sâu miêu tả những đặc điểm nổi bật của câu xà nu. Cũng như bao loài cây khác, cây xà nu là một loài cây ham ánh sáng và khí trời “trong rừng ít có loài cây nào sinh sôi nảy nở khoẻ đến vậy... ít có loài cây nào ham ánh sáng đến thế” cũng có nghĩa là ham sống, khao khát muốn được vươn lên giữa bầu trời cao rộng.
Thế nhưng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, cũng như bao cánh rừng khác của Việt Nam, rừng xà nu đã bị tàn phá rất dữ dội “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào là không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình đổ ào ào như một trận bão; ở chỗ vết thương nhựa ứa ra tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt rồi dần dần bầm lại đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Tuy vậy, bất chấp mọi sự tàn phá huỷ diệt của chiến tranh, cây xà nu vẫn vươn lên với một sức sống mãnh liệt “cạnh cây mới ngã gục đã có bốn, năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Tư thế vươn lên mạnh mẽ ấy của cây xà nu như để thách thức với bom đạn của chiến tranh “đố chúng nó giết được cây xà nu đất ta”. Sức sống mãnh liệt đã giúp những cánh rừng xà nu vươn lên trong một màu xanh, hiện lên hiên ngang, kiêu dũng như một tráng sĩ “cứ thế hai ba năm sau, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho dân làng Xô man”.
Bằng nghệ thuật so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, Nguyễn Trung Thành đã dựng lên thật thành công và rõ nét, ấn tượng về hình tượng cây xà nu. Không dừng lại ở đó, Nguyễn Trung Thành còn đặt hình tượng cây xà nu vào trong quan hệ đối chiếu sóng đôi với con người mảnh đất Tây Nguyên. Nếu cây xà nu là một loại cây ham ánh sáng và khí trời, thì người dân Tây Nguyên yêu tự do, tin vào Đảng, đi theo bước chân cách mạng như muôn cây vẫn hướng vào ánh sáng mặt trời. Nếu cây xà nu bị tàn phá, huỷ diệt bởi đạn bom, khói lửa thì những người dân Tây Nguyên phải chịu bao đau thương mất mát do chính kẻ thù gây ra. Bao nhiêu người bị giặc giết chết như những cây xà nu bị chặt đứt ngang nửa thân mình, bao nhiêu người còn sống mà phải mang trong mình bao nỗi thương đau. Bằng cách miêu tả hình ảnh cây và người trong quan hệ sóng đôi như thế, Nguyễn Trung Thành đã khắc sâu tội ác dã man của kẻ thù để qua đó tác giả giúp ta hình dung rõ hơn những thảm cảnh dân ta phải chịu do bọn giặc gây ra.
Cũng giống như những cánh rừng quê hương, như những con người Việt Nam vẫn ý thức được rằng:“Gươm nào chia được dòng Bến Hải
Lửa nào thiêu được dãy Trường Sơn
Căm hờn lại giục căm hờn
Máu kêu trả máu đầu van trả đầu”
Các thế hệ nhân dân Tây Nguyên đã thay nhau tiếp nối đứng lên. ánh sáng của niềm tin “Đảng còn thì núi nước này còn” đã soi đường chỉ lối cho những bước chân đến với cách mạng. Thế hệ này ngã xuống, thế hệ sau tiếp nối đứng lên; anh Sút bà Nhan bị giặc giết, đi thay họ tiếp tế nuôi quân đã có T Nú và Mai. Cứ như thế, các thế hệ người Tây Nguyên đã thay nhau giữ vững ngọn lửa truyền thống, thay nhau giữ vững ý chí đánh giặc kiên cường, để giữ làng, giữ nước của dân làng Xô man nói riêng và của người Tây Nguyên nói chung.
Dưới ngòi bút miêu tả của Nguyễn Trung Thành, cây xà nu hiện lên sừng sững, đồng hành với những bước đi, cuộc sống của dân làng Xô man. Gắn bó với cánh rừng anh dũng, kiêu hùng, những người dân Tây Nguyên như được tiếp thêm sức mạnh để đứng lên chiến đấu. Và gắn bó với con người Tây Nguyên ân tình, thuỷ chung, trung dũng như thế. Cây xà nu cũng luôn luôn sánh bước cùng họ để họ có cuộc sống bình yên hơn; để “hầu hết đạn đại bác của đồn giặc đều rơi vào những ngọn đồi xà nu, cạnh con nước lớn” chứ không nhằm vào những người dân vô tội lầm than.
Cây xà nu là hình tượng mang đậm chất lý tưởng, tiêu biểu cho phẩm chất, số phận của người dân Tây Nguyên. Hình tượng cây xà nu trong tác phẩm mang đậm chất sử thi, tính hào hùng, nó làm rõ chủ đề tư tưởng của truyện ngắn “Rừng xà nu”. Để xây dựng một hình tượng xà nu như thế, Nguyễn Trung Thành đã sử dụng những câu văn miêu tả, những từ ngữ, hình ảnh chọn lọc đặc sắc, cùng nghệ thuật so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, giọng văn miêu tả trong tác phẩm rất linh hoạt.
Có đọc “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành ta mới cảm nhận hết vẻ đẹp hình tượng cây xà nu. Hình tượng này đã góp phần tạo nên một “Rừng xà nu” trọn vẹn, mang đậm giá trị văn học. Nguyễn Trung Thành đã góp phần làm phong phú thêm cho nền văn học dân tộc.

58 nhận xét:

  1. Bài này chỉ đáng 70%. Vì thiếu đoạn gtc

    Trả lờiXóa
  2. bài văn rất hay và giàu ý nghĩa hình tượng

    Trả lờiXóa
  3. Tuy vậy, bài văn có nhiều điểm sáng mà chúng ta cần học hỏi! Đó là....

    Trả lờiXóa
  4. 12A9-39 và 26
    Bài văn được 60% do mở bài và kết bài chưa nói rõ được luận đề hình tượng rừng xà nu là biểu tượng bất diệt.
    Bài chưa có giới thiệu chung

    Trả lờiXóa
  5. bài này có thơ em rất thích

    Trả lờiXóa
  6. 12A9-20
    Bài văn có phần mở bài chưa nói rõ luận đề rừng xà nu là biểu tượng của sự bất diệt.

    Trả lờiXóa
  7. Phần mở bài chưa nêu rõ được luận đề chính: Hình tượng cây Xànu - Biểu tượng cho sự bất diệt. Phần kết bài khá ngắn gọn nhưng lại đầy đủ ý, rất đáng học tập và tham khảo bởi phù hợp với thời gian làm bài. Nhưng thật sự cảm thấy bài văn này chỉ xứng đáng 8.0 đến 8.5 thôi, chưa xuất sắc lắm ,nên thêm nhiềuý hơn cho phần thân bài!

    Trả lờiXóa
  8. 12A9-16
    Bài này được khoảng 60% số điểm mở bài thiếu luận đề. Bài trình bày hơi rối.

    Trả lờiXóa
  9. 12A9-15
    Bài văn khá ngắn gọn, không quá nhiều dẫn chứng. Tuy nhiêu lại thiếu đoạn giới thiệu chung, tên các luận điểm, 2 câu văn giới thiệu và kết thúc tác phẩm.

    Trả lờiXóa
  10. 12a9-10 bài này hay mà thiếu đoạn giới thiệu chung => 9 điểm

    Trả lờiXóa
  11. Bài văn được 80% số điểm vì đoạn văn thứ 3 cần phải thêm luận điểm về sức sống mãnh liệt của cây Xà Nu.

    Trả lờiXóa
  12. 12A9 - 32
    Bài văn thiếu phần gtc, kết bài còn sơ sài. Còn lại tạm ổn, đạt 60%.

    Trả lờiXóa
  13. - Thiếu luận đề
    - Luận điểm không rõ ràng
    - Không có giới thiệu chung
    - Dẫn chứng hơi nhiều
    - Thích kết bài của bạn
    - tóm lại 8đ nha

    Trả lờiXóa
  14. Bài văn chưa rõ ràng về luận điểm

    Trả lờiXóa
  15. ngọcthảo12A9-30lúc 20:39 25 tháng 3, 2016

    Bài này được 70% số điểm vì nếu nhấn mạnh "Rừng Xà Nu" là biểu tượng của sự bất diệt thì nên xoáy nhiều hơn vào sức sống mãnh liệt của rừng Xà Nu và sức sống mãnh liệt đó làm ta liên tưởng đến nhân vật nào trong tác phẩm. Hơn nữa nên ghi luận điểm rõ hơn.

    Trả lờiXóa
  16. cũng được, 8 điểm là cùng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. khoan đã bài này chưa sáng tạo lắm thôi cho 7 rưỡi

      Xóa
    2. pé h3o forever love onelúc 20:44 25 tháng 3, 2016

      0.5 của bạn bự quá ha!SAO ÁC QUÁ VẬY????

      Xóa
    3. trừ thêm 0.5 tên trẻ trâu

      Xóa
    4. đây là nơi công cộng !

      Xóa
  17. 12A9-34
    bài làm hay, sáng tạo, có so sánh hình tượng qua thơ nhưng thiếu giới thiệu chung

    Trả lờiXóa
  18. 12A9 - 35
    Phần mở bài chưa làm rõ dc hình ảnh bất diệt của rừng xà nu.

    Trả lờiXóa
  19. Phần Mb chưa nêu đủ Luận đề.
    Thiếu phần GTC: chưa có tóm tắt được cốt truyện để xoay quanh Hình tượng Rừng xà nu, từ đó nhần mạnh Luận đề 1 lần nữa.
    Chưa nêu rõ từng Luận điểm, chưa chỉ ra được và đúc kết rõ "Biểu tượng của sự bất diệt".

    Trả lờiXóa
  20. Bài này hơi dài dòng nhưng lại thiếu ý.

    Trả lờiXóa
  21. 12A9 -23: Mở bài không nêu rõ luận đề mà đề yêu cầu, thiếu phần GTC: không tóm tắt được đặc điểm nhân vật, cốt truyện xoay quanh nhân vật.

    Trả lờiXóa
  22. 12a9-19
    Bài văn rất chặt chẽ & logic. Có đánh giá nội dung & nghệ thuật cụ thể. Bài này được 75% (vì bị thiếu đoạn giới thiệu chung).

    Trả lờiXóa
  23. Thiếu luận điểm chính của đoạn ba, phần đánh giá nội dung, nghệ thuật chưa rõ ràng. Bài văn được khoảng 70% số điểm

    Trả lờiXóa
  24. 12A9-40
    Bài được khoảng 60% số điểm. Mở bài và kết luận chưa nêu rõ được luận đề, thiếu giới thiệu chung. Bài nêu được dẫn chứng phù hợp, kết bài ngắn gọn, đầy đủ ý đáng học tập.

    Trả lờiXóa
  25. Nhìn chung, bài văn có cấu trúc dàn bài bố cục chặt chẽ. Các luận điểm nêu rõ ràng chi tiết nhưng phần mở bài thì luận đề chưa thật sự thuyết phục.

    Trả lờiXóa
  26. 12A9-37
    Thieu doan gtc con lai thi hay

    Trả lờiXóa
  27. bài không đầy đủ!

    Trả lờiXóa
  28. thiếu gtc, luận điểm không rõ ràng

    Trả lờiXóa
  29. Bài văn ngắn gọn, súc tích, nhưng luận điểm chưa rõ.

    Trả lờiXóa
  30. Bài văn có nhiều dẫn chứng phong phú và cả liên hệ với tác phẩm khác, người viết nắm rõ các chi tiết của tác phẩm và biết cách kết hợp với dẫn chứng để diễn đạt phù hợp, đặc biệt là sự phù hợp trong việc phân bố luận điểm và thời gian, khiến bài văn có độ dài phù hợp nhưng ý nghĩa lại đầy đủ, phong phú.
    Điểm trừ duy nhất là kết cấu, bố cục bài còn thiếu sót so với hướng dẫn chấm bài của kì thi. 11 - 12A9

    Trả lờiXóa
  31. Ngoại trừ thiếu luận điểm sức sống mãnh liệt ở đoạn 3 thì bài này khá hay. Cho 8 điểm chắc được.

    Trả lờiXóa
  32. bài viết sử dụng từ ngữ chưa được mượt mà, chưa nêu được cảm nhận của bản thân đối với tác phẩm, tuy nhiên đã thêm thơ để tạo nét riêng cho bài viết

    Trả lờiXóa
  33. bài văn hay, nhiều từ ngữ miêu tả sinh động. Tuy nhiên, phần giới thiệu chung còn trích nhiều dẫn chứng trong bài.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. nhìn nhầm luận điểm 1 thành giới thiệu chung.
      => thiếu gtc

      Xóa
  34. bài văn sinh động, chân thực vì có dẫn chứng phù hợp, gắn liền với tác phẩm, kết bài ngắn gọn nhưng khái quát luận đề, giá trị tác phẩm (12a9-27)

    Trả lờiXóa
  35. 12a9-39
    bài chỉ khoảng 8đ vì thiếu gtc, mở và kết chưa nêu được luận điểm rừng xà nu là biểu tượng bất diệt
    thân bài chưa phân tích rõ vào luận điểm bài yêu cầu

    Trả lờiXóa
  36. luận điểm thiếu logic, kết cấu không rõ ràng, không có giới thiệu chung

    Trả lờiXóa
  37. .thiếu sự xuất hiện hình tượng rừng xà nu ở đầu và cuối tác phẩm
    .sự bất diệt của rừng xà nu :luận đề ở MB và KB

    Trả lờiXóa
  38. Bài văn dẫn chứng rõ ràng, lập luận chặt chẽ nhưng mở bài chưa nêu rõ luận đề.Bài văn được khoãng 8đ

    Trả lờiXóa
  39. bài văn khá xúc tích, người viết không kết hợp phân tích dẫn chứng và nghệ thuật chung mà tách thành từng đoạn riêng lẽ nhưng vẫn làm rõ được luận đề

    Trả lờiXóa
  40. bài văn lập luận chặt chẽ , đầy hàm xúc nhưng mở bài chưa giới thiệu rõ luận đề

    Trả lờiXóa

Các bạn nhớ ghi tên người nhận xét theo cấu trúc: Lớp-Số thứ tự